Horward Marks, tác giả sách “The most important thing”, cho rằng: “Trong đầu tư, điều quan trọng nhất là đặt mục tiêu ở mức kỳ vọng hợp lý. Mục tiêu quá cao sẽ phải gánh chịu mức rủi ro cao, hoặc chắc chắn sẽ là một kết quả gây thất vọng”.
Loạt bài về Tài chính cá nhân. Chủ đề Tích lũy gia sản để Thịnh Vượng của anh CVTC #6_Ròm (Niemro).
Bài 2 – MỤC TIÊU TÀI CHÍNH CỦA ĐỨA NHÓC 6_RÒM
MỤC TIÊU TÀI CHÍNH
Mục tiêu tài chính trong con mắt trẻ thơ là một vấn đề đơn giản. Đó là 1 nhu cầu sở hữu, hưởng thụ về 01 món đồ chơi, hay đơn giản chỉ là hành động anh hùng rơm như mời các bạn học trong lớp ăn một bữa chè, trốn học để chơi trò chơi điện tử.
Dù sao, thì cũng không khác người lớn là mấy, nhưng nó đơn xơ hơn và chỉ phục vụ cho cái tôi con nít của nó thôi.
Rằng, thay vì nài nĩ cha mẹ mua cho nó món đồ chơi đó, thì thật không may, những năm ấy 6 Ròm không ở gần cả Cha lẫn Mẹ, và thêm bản tính rất nhút nhát, hay mắc cỡ khi phải xin xỏ. Nó cần phải giành giụm tiền để tự mua cho nó món đồ chơi đắt tiền này.
Nhưng nó lờ mờ nhận ra, chẳng bao giờ nó đủ tiền để mua cả, vì nó chỉ trông chờ vào tiền quà sáng của Bà nội là chắc chắn thôi, nhưng các món đồ chơi kia là gấp cả trăm ngày quà sáng.
Vậy là nó hiểu, cần phải có thêm tiền bổ sung để nhanh chóng có đồ chơi nhanh hơn. Mọi hành động của 6 Ròm đều hướng về dòng suy nghĩ đó.
Nó nhanh chóng khai thác điểm yếu về tình thương của Bà giành cho Anh 2 nó, để cho Anh 2 nó mượn tiền, gian kế ấy có lãi suất 100%/ ngày. Nhưng đâu thể làm liên tục hoài được, nếu vậy thì thành một đứa cháu hư mất. hihi :)).
Vậy là, nó cần trả giá với Ông ngoại, Mẹ nó, hay các Bác bên nội; Cậu, Dì bên ngoại, kể cả ai thích đánh cược với nó về thứ hạng học tập, về điểm số phải đạt được ở trường học,… để nếu đạt thì thưởng bằng tiền. Nó hứa sẽ đạt và nhận phần thưởng.
Nó làm một cách tự nhiên với sự quyết tâm cao sẽ đạt được mọi điểm số. Có khi nó từ hạng 40 trong lớp thăng tiến lên hạng trên 10 một cách khó hiểu trong mắt mọi người. Từ điểm 2,3 lên điểm 8,9 chỉ sau vài tháng.
Một kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu tài chính đã lập ra. Đó là mưu mẹo thứ 2.
Nó cần biến nó trở thành đứa trẻ dốt, khờ khạo. Nó đi chơi suốt ngày, sẵn sàng bỏ đi bắn bi, đá banh, vật lộn với Bạn cả trưa đến chiều ngoài giờ học, để không cần phải làm bài về nhà hay học thuộc lòng đáng ghét.
Nó cứ túc tắc vừa học vừa chơi rong như vậy những tháng đầu năm học. Vậy thì kết quả học tập đầu năm là rất kém, cần được quan tâm. Hay được Cô giao cho bạn gái học giỏi kèm để tạo thành 01 đôi bạn cùng tiến.
Hiihi, thế là cái bẫy học tập được giăng ra. Mọi người thân sẽ dùng phần thưởng để dụ nó học, dụ nó đạt điểm cao. Hứa hẹn nhiều thứ lắm, …
Và, a lê hấp, còn gì dễ dàng hơn để vượt qua cái điểm khởi đầu thấp. Cái nền thấp thì dễ vượt qua hơn nền cao. Từ 3,4 điểm đặt mục tiêu 7,8 điểm thì không khó, lại thấy mức vượt trội cao (đương nhiên phần thưởng cũng lớn).
Trong khi 8 điểm đặt mục 9,10 điểm thì khó vô cùng và mức tăng không cao để có thể mặc cả tiền thưởng.
Như vậy, 6 Ròm năm nào cứ ham chơi thỏa thích, dơ dơ ít tắm, ốm nhách, nhưng hay đạt các mục tiêu về thành tích học tập, để qua đó tăng số tiền tích lũy lên và đạt các mục tiêu tài chính đơn giản của mình nhanh chóng hơn.
Về già, 6 Ròm thấy mình may mắn với các Mục tiêu càng đơn giản – càng dễ đạt của mình. Vì lâu lâu cũng bị sai sót không đạt mong đợi, nhưng không ai trách cả. Một suy nghĩ đơn giản thì càng tập trung và càng dễ đạt hơn một mục tiêu quá vĩ mô hay thiếu thực tiễn.
Cứ từng bước như vậy, mục tiêu nâng cao dần, thói khôn lõi cũng nảy nở ra. Từ kỳ kèo sự bất công với tiền quà sáng để lấy gấp đôi trong một ngày; Cho đến đổi thành tích học tập lấy phần thưởng.
Và trong tương lai, 6 Ròm còn hiểu chuyện hơn, mà cần cù lao động đi giao yaourt mỗi ngày cho Má để kiếm 40k đồng mỗi tháng, vì sáng kiến trục lợi đã không tác dụng khi 6 Ròm đến tuổi 15.
Mục tiêu tài chính là bước đầu tiên cho 6 Ròm đạt được mục tiêu cuộc sống. Sống càng giản dị thì mục tiêu tài chính càng thấp, dễ đạt sớm. Đạt rồi thì tăng mức mục tiêu lên và cứ như vậy gia tốc tích lũy – thành công tự nó tạo ra cho 6 Ròm càng nhanh hơn lên, khiến Nó ngạc nhiên và hứng thú say mê.
Cứ vậy vòng lặp: đạt được mục tiêu tài chính dễ dàng => kích thích Anh 6 Ròm “keo kiệt” chi tiêu hơn => để giữ lại thu nhập kiếm ra nhiều hơn, và nhanh đạt được mục tiêu mới nhanh hơn => rồi thời gian cho cái vòng quay ấy rút ngắn đến mức mình thấy dễ dàng như là hơi thở.
Rồi cái ngày 6 Ròm không còn ròm nữa cũng đến, giờ 42 tuổi trở nên mập ú, nhưng phong cách con người giản đơn, cần cù và ham mê đầu tư thì vẫn cứ là như vậy.
KỲ VỌNG THỰC TẾ HAY ẢO TƯỞNG
Horward Marks, tác giả sách “The most important thing”, cho rằng: “Trong đầu tư, điều quan trọng nhất là đặt mục tiêu ở mức kỳ vọng hợp lý. Mục tiêu quá cao sẽ phải gánh chịu mức rủi ro cao, hoặc chắc chắn sẽ có kết quả gây thất vọng”.
May mắn thay, từ nhỏ 6 Ròm thường hay đặt các mục tiêu tầm thường, từng bước từng bước một, rồi mới đi tiếp lên mục tiêu cao hơn. Như cách cậu nhóc cố tình học kém trước từ đầu, rồi mới chuyên tâm cải thiện để tự tạo động lực thành công.
Bên cạnh đó, vì tính tình nhút nhát và hay mắc cỡ, Nên rủi ro là cái mà 6 Ròm rất sợ, thường cố mường tượng ra sẽ như thế nào trước mỗi khi hành động.
Rủi ro chính là rào cản không cho mình đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Mà chỉ đạt một kết quả nữa vời. Đứa con nít 6_Ròm từ từ cũng hiểu một công thức cộng trừ vỡ lòng là:
Lợi nhuận thực tế = Lợi nhuận kỳ vọng – RỦI RO
Cần phải minh định rằng: Rủi ro và Lợi nhuận “kỳ vọng” là 02 mặt của quá trình đầu tư. Do vậy NĐT cần kiểm soát rủi ro thì mới đạt được lợi nhuận kỳ vọng. Lợi nhuận thật đạt được sẽ thấp hay cao so với lợi nhuận kỳ vọng, chính là nhờ quá trình kiểm soát được các rủi ro sẽ xảy ra.
Rủi ro bao gồm các loại sau đây (theo chương trình Wealth Intelligence):
– Rủi ro kinh doanh
– Rủi ro tài chính (biến động giá thị trường)
– Rủi ro thanh khoản
– Rủi ro tỷ giá
– Rủi ro hệ thống (Chính trị, pháp lý, môi trường kinh doanh),…
Vâng, quản trị rủi ro, đó là bí mật thứ hai của 6_Ròm sau bí mật đầu tiên mang tên là tích lũy.
Chúc các Bạn thành công trên con đường đạt lấy các mục tiêu của mình.
– hết phần 2, còn tiếp –
Nguồn: Anh Bùi Xuân Tường