Loạt bài về Tài chính cá nhân. Chủ đề TÍCH LŨY TÀI SẢN để THỊNH VƯỢNG của anh CVTC #6_Ròm (Niemro).
Bài 4 – 3 CÁI LON GUIGOZ CỦA NỘI & SỰ PHÂN BỔ THU NHẬP MỘT CÁCH CHÂN PHƯƠNG VÀ HỢP LÝ | LÀM SAO CÓ THỂ CHỨA CẢ VŨ TRỤ VÀO 3 CÁI HỘP NHÔM?
Mỗi buổi trưa, sau khi dọn hàng xong, 6 Ròm thấy Bà nội cứ lui cui đếm đếm, chia chia mà chẳng hiểu gì cả. Và cứ sau khi xong việc đếm, thì lại bày các lon guigoz ra để bỏ tiền vào gây tò mò lớn cho nhóc. Bà đặt tất cả sự cẩn trọng vào đấy, nghiêm túc lắm, chứ không phải thoải mái như khi cho 6 Ròm tiền quà sáng đâu.
Sau này mình thắc mắc mãi, và lần lần cũng hiểu được sự kỳ diệu chứa cả một “Cấu trúc tài chính” tối ưu qua 03 cái hộp này.
Làm sao mà một người viết chữ rất khó khăn và chỉ biết đọc như Bà, lại thiết kế được 01 phương pháp quản lý-xây dựng hệ thống tài khoản đơn giản và hiệu đến quả như thế, để quản lý cả 01 gia tài của Gia đình như vậy?
Ba cái Lon guigoz như sau:
- (1). Lon thứ nhất: đựng tất cả tiền bán Bánh cuốn mỗi ngày.
- (2). Lon thứ hai: đựng từ đủ đến dư (dự phòng tối đa) cho chi phí sinh hoạt 3 tháng của cả nhà.
- (3). Lon thứ 3: đựng tất cả tiền tích lũy của Bà.
Bí quyết:
a. Bà giữ lại phần tiền vốn bán hàng ở lon thứ nhất (Hộp doanh thu).
Mỗi ngày, Bà lấy ra và đếm tiền bán bánh cuốn thu được của ngày hôm ấy từ cái Lon số (1). Bà cẩn thận để lại tất cả tiền lẻ để thối cho ngày hôm sau được cột dây thun chắc chắn. Và sau đó để tiếp phía trên một phần tiền bọc trong tờ giấy trắng là tiền mua đồ làm hàng để bán, sẽ được sài trong buổi chiều cùng hôm đó.
Và rồi, tất cả tiền lãi còn lại được chia làm 03 phần. Phần 1: trả công cho Bác 3. Ngày ấy đã có trả công theo KPI hiệu quả công việc rồi, hihi. Phần 2: Bà trả công cho Bác 2 và trích ra đều đặn để Bác Dung đi chợ, cho tiền quà cho 2 cháu nội, hay tiền mua bia cho Bố mình. Phần thứ 3 còn lại, Bà bỏ tất cả vào Lon guigoz thứ 2 (Hộp chi phí).
b. Tính toán Hộp chi tiêu: Lon guigoz chi tiêu số 2, luôn được lấp đầy mỗi ngày bằng tiền dôi dư từ bán hàng.
Sau đó, Bà sẽ nhẩm tính, mấy tháng tới có nhu cầu chi tiêu gì lớn không? số tiền bao nhiêu? biến động gì không? …. Và Bà chỉ để ở đó tầm 3,4 tháng chi tiêu tối đa.
Số tiền vẫn còn dư từ Lon thứ (1) mà không bỏ được vào Lon thứ (2) vì đã đầy. Lẽ dĩ nhiên, nó được dồn hết để ở Lon guigoz thứ 3 (Hộp tích lũy).
c. Lon guigoz thứ (3) cho tích lũy này, chẳng ai biết nó có bao nhiêu ngoài Bà.
Nó như cái Hộp không đáy vậy, mà mỗi khi mở ra, 6 Ròm liếc trộm thì thấy chẳng có bao nhiêu tiền cả. Vậy nó đi đâu hết rồi, sao lạ vậy. Một lon guigoz nhỏ thì có bao nhiêu chứ.
Trong khi Bà lại thường rất thoải mái chi tiêu, cho bất kỳ cháu nào tiền đột xuất; hay chi tang-ma-hiếu-hỷ của gia đình bằng cái hộp này. Mấy ngày tết là mướn xe đi cúng chùa, lễ phật, đi chơi Long Hải, Đà lạt,….
Vậy đó, bí quyết bổ sung, nằm ở vòng bí mật, chứa cả vũ trụ kỳ lạ đó.
Tối đến, Bà lấy tiền tích lũy ấy ra để bỏ vào trong cái bao nylon, cuộn tròn mấy lớp lại cho khỏi ướt. Cẩn thận cột dây thun bên ngoài lớp nylon, rồi bỏ cái bao tiền bí ẩn này vào trong túi áo (hoặc túi quần), kiểu túi được may khéo dấu ẩn vào phía bên trong loại áo không cổ và quần đen của người gốc Bắc.
Cài thêm vài cái kim-băng cho yên tâm là miệng túi quần đã gài chắc chắn lắm rồi. Thế là Bà nằm ngủ ngon lành với cái chân cong cong đầu gối như để tạo thêm một lớp yên tâm nữa cho tất cả tài sản tích lũy của Bà được an toàn nhất, an toàn kể cả khi đi ngủ.
Cứ khi nào thấy dư nhiều tiền, là Bà đi mua 1 chỉ vàng. Ở cái thời chiến tranh loạn lạc của Bà, chẳng biết viết chữ, chẳng tin tưởng ai, thì cách duy nhất Bà tìm đến là mua 1 chỉ vàng.
Cũng may, ngày ấy cũng chẳng có báo đài nói về giá vàng thế giới hay đồ thị kỹ thuật. Mua bán vàng đôi khi còn bị xem là sai phạm. Chắc nhờ vậy mà Bà thoát khỏi các hội chứng FOMO như giờ.
Sự thông thái nằm ở chổ cứ bán bán mua vàng ở các tiệm khác nhau, để không ai biết Bà có bao nhiêu vàng cả. Bà chỉ mua mỗi lần vài chỉ, khi thì tận Cầu muối, khi thì ở Hòa Hưng. Và Bà mua được nhà và lo cho các Bác với Bố 6 Ròm khi đã đủ vàng.
Tui chỉ nghe kể lại. Nhưng tui biết, nhờ vậy mà cả Gia đình đều bình an vượt qua tất cả biến cố chiến tranh, nạn đói, hay thay đổi thời cuộc, … Cả nhà đều ấm no và sung túc khi cả Thế giới hỗn loạn thì vẫn có 01 nơi bình yên là gia đình Nội của 6 Ròm.
Cái sự phân bổ thu nhập này, là chủ đề mà các gia đình khác hay quản trị sai lầm.
– Khi thì làm ra thật nhiều tiền nhưng chẳng tích lũy gì cả.
– Khi thì tích lũy rồi. nhưng lại đánh mất tất cả vì không đem đầu tư mà cứ để mãi trong hộp; hoặc đầu tư sai lầm vào Hụi, vào cho vay mất vốn, ….
– Hoặc khi có nhiều tiền rồi đâm ra ăn chơi lười lao động và dần dần tiêu phí hết.
Bà tôi không như vậy. Bà tích lũy tất cả lại, và không chi tiêu cho nhu cầu cuộc sống nào riêng Bà.
Bà chỉ vun đắp cho hạnh phúc và nhu cầu ăn sung mặc sướng của con cháu.
Bà mua vàng để tích trữ và bảo toàn vốn, cũng để dễ cất dấu trong cái phạm vi thiếu thốn sản phẩm tài chính lúc bấy giờ; Cũng như che dấu đi sự thịnh vượng của mình để đảm bảo an toàn cho cả nhà. Đấy, một người thông thái họ đơn giản như vậy đó.
Đối với tôi, dù không được khoa học và chuẩn mực bằng, nhưng có lẽ phương pháp của Bà tôi còn dễ thực hiện hơn cả Lý thuyết 6 cái lọ của Ông T. Harv Eker trong sách “Bí mật Tư duy triệu phú” nổi tiếng của Ông (hình và link đính kèm).
(hết bài 4 – còn tiếp)