Loạt bài về Tài chính cá nhân. Chủ đề TÍCH LŨY TÀI SẢN để THỊNH VƯỢNG của anh CVTC #6_Ròm (Niemro).
BÀI 11 – TRẠNG THÁI ĐẦU TƯ | AI TRONG ĐỜI MÀ KHÔNG SỢ… SỢ THÌ SỢ MÀ MUA THÌ MUA.
“Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi”
(Bài hát: Chuyến tàu hoàng hôn. Sáng tác: Minh Kỳ)
6 RÒM ĐU XE LỬA
Hồi 6 Ròm học lớp 6-7-8, cứ mỗi mùa hè, Ròm theo Bố làm nhân viên phục vụ toa trên “xe lửa” để được đây đó trên dọc đường Nam – Bắc.
Ngày ấy giá vé xe lửa rất đắt và tàu chạy rất chậm. Mỗi khi tàu ghé 01 ga nào đó để nhận khách mới và trả khách cũ trên tàu xuống. Quang cảnh thật nhộn nhịp và thú vị.
Khi thì mấy Chị buôn bán chất hàng vào kín lối đi với các bao hàng to, bằng vải nylon rẻ tiền, như muốn rách đi vì bị chèn từ các góc nhọn thô kệch của hàng hóa bên trong. Khi thì các gia đình túi túi thùng thùng, tay ẳm trẻ con, tay dìu người già, chen lên chen xuống để kịp về quê thăm thân nhân, sẵn tranh thủ đem ít đồ Sài Gòn về làm quà tặng.
Ấn tượng đối với 6 Ròm là khi tàu đã chạy, nhưng vẫn còn nhiều người không có vé, phải đu vào khoảng trống giữa 02 toa, hay leo lên mui tàu và nằm rạp xuống cùng với thùng hàng của mình, nhờ vậy mà đỡ tốn tiền vé tàu.
Cảnh tượng mỗi khi tàu phải dừng lại vì có người “đu tàu” mà bị tai nạn luôn làm ám ảnh đứa con nít 6-Ròm mãi mãi.
Nhưng cái thú vị của đứa nhỏ là được ghé các ga tàu, được đi du lịch miễn phí từ Nam ra Bắc, được nghe các giọng nói kỳ lạ, dù vẫn là tiếng Việt. Và đặc biệt là: được ăn các món ngon khắp cả nước.
Vậy đó, ước mơ từ nhỏ đến lớn của Anh Ròm chỉ là ăn ngon và đi rong chơi khắp nơi. Bình dị vậy thôi.
À, bắt đầu lại dong dài rồi. Nói vậy để làm chi? Vậy đó, cùng 01 chuyến xe lửa, nhưng mỗi người 01 hoàn cảnh. Người FOMO (fear of missing out | sợ bị bỏ lỡ); người thì FUD (fear-uncertainty-doubt | lo lắng-không chắc-nghi ngờ); người thì mang niềm vui lên tàu; người lại mưu sinh, đối mặt với sống chết để thắp hy vọng sinh tồn; hay như Ròm chỉ là người hưởng thụ; … Mỗi người mỗi vẻ, một mục tiêu riêng, không ai giống ai.
KHỐNG CHẾ CẢM XÚC KHI ĐẦU TƯ
Xã hội chắc là luôn như vậy rồi. Đầu tư cũng không ngoại lệ mà có thể thoát ra khỏi cái hỷ nộ ái ố này. Để đầu tư được như ý, Ròm cần phải học cái cách giữ điềm tĩnh, mà thoải mái đứng bên ngoài quan sát cho sự FOMO và FUD kia ngấm vào tận máu tủy của cái thân Ròm này. Chỉ có vậy, tâm lý mới thoát ra sự phiền phức của cảm xúc.
Cảm giác Fomo thật khó mà dứt ra, cái đó xuất phát từ cái sự tham lam. Mà ở đời thì luôn có câu “Tham thì Thua”.
Theo tiến sĩ Dan Hernan người Israel – chuyên gia marketing, đã xác định được hiệu ứng của hội chứng fomo vào đầu năm 1996 khi ông thực hiện nghiên cứu với một số khách hàng và thu được kết quả rằng hiệu chứng hội chứng fomo có thể là một trong những lý do khiến cho khách hàng không trung thành với bất kỳ một thương hiệu nào cả. Khi có hội chứng sợ bỏ lỡ, khách liên tục mua các sản phẩm mới từ những thương hiệu mới để không bỏ lỡ bất kỳ xu hướng thú vị nào.
Vượt qua được FOMO quả thực là điều không dễ dàng một chút nào vì FOMO là cảm xúc thường gặp nhất trong giao dịch tài chính. Dù ít hay nhiều kinh nghiệm, ai cũng từng trải qua trạng thái FOMO. Kiểm soát FOMO cũng chính là kiểm soát cảm xúc trong giao dịch.
Vậy Ròm đã làm gì để chế ngự nó đây:
– Đặt các Mục tiêu thấp, dễ làm trước.
– Thăm dò phản ứng thị trường, cần để thị trường xác nhận kết quả ấy đúng, chứ không đoán.
– Luôn nhớ trong đầu: Thị trường vẫn luôn ở đó, cơ hội vẫn luôn còn đó; Ngày mai nó lại đến với mình một lần nữa. Không có gì phải vội.
– Trước khi quyết định đầu tư, thì luôn chắc chắn là mình đã hiểu kỹ về sản phẩm ấy.
– Luôn luôn quản trị rủi ro, và đặt sẵn các bước hành động, để a lê hấp, bụp bụp bụp ngay khi rủi ro ấy xảy ra.
Nhớ lại Nhà hiền triết Phố Wall, Warren Buffett từng nói: “Cảm xúc là kẻ thù của lý trí”. Vì thế, trước khi đưa ra một quyết định nào đó, hãy dành thêm thời gian để xem xét liệu quyết định đó có bị chi phối bởi yếu tố cảm xúc hay không.
– hết phần 11, còn tiếp –
Nguồn: Anh Bùi Xuân Tường